Cứ đến mỗi mùa lễ hội, vùng cao Tây Bắc lặng lẽ và yên bình sẽ khoác lên mình chiếc áo mới rực rỡ, thu hút sự hiếu kỳ của hàng ngàn du khách. Cùng theo chân Hali Travel khám phá những lễ hội truyền thống Sapa đặc sắc nhất thôi nào.
Lễ hội Tết cơm mới – một trong những lễ hội Sapa quan trọng nhất
Từ lâu, lễ hội Tết cơm mới đã trở thành một phần văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam, đặc biệt là ở vùng cao Tây Bắc. Đây là dịp để con cháu dâng lên ông bà, tổ tiên “gạo mới” nhằm bày tỏ sự tôn kính, hiếu thuận và lòng biết ơn. Xuất phát từ quan niệm vạn vật đều có linh hồn và sự trân trọng giá trị của cây lúa trong đời sống sản xuất và sinh hoạt, các dân tộc thiểu số ở đây đã “linh thiêng hóa” hình ảnh cây lúa trong tâm thức tín ngưỡng tộc người. Vì vậy, trước khi tổ chức Tết cơm mới mỗi gia đình phải làm lễ đi rước “hồn lúa mới” từ cánh đồng, nương rẫy về nhà.
Sau khi đã rước “hồn lúa” về nhà, các gia đình bắt đầu chuẩn bị cho lễ cúng cơm mới. Lễ vật trong mâm cúng của các gia đình rất phong phú và đa dạng, ngoài thức ăn được chế biến từ các sản vật do gia đình tự nuôi trồng: thịt gà, vịt, thịt lợn, thịt cá… thì đương nhiên không thể thiếu sản phẩm được làm từ những bông lúa mới, những bát cốm xanh, cốm mới đồ thơm phức đặt lên bàn thờ dâng cúng tổ tiên.
Ngày nay, ở xã Tả Van, Sapa cùng với việc phát triển hoạt động du lịch cộng đồng của người Giáy, Tết cơm mới đã được nâng lên trở thành lễ hội cốm của vùng. Hằng năm, vào ngày hội này rất nhiều khách du lịch đến trải nghiệm.
Lễ hội xuống đồng
Một trong những lễ hội tháng Giêng độc đáo nhất ở Sapa phải kể đến lễ hội xuống đồng của người Tày, người Dao được tổ chức vào ngày mùng 8 Tết âm lịch hàng năm.
Lễ hội xuống đồng Sapa bao gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ bắt đầu khi có một đoàn người ăn mặc chỉnh tề, thực hiện nghi lễ rước nước và rước đất. Khi dân bản có mặt đông đủ và việc sắp lễ xong, thầy cúng thực hiện nghi lễ cầu mong mùa màng bội thu, gia súc đầy chuồng, dân bản mạnh khỏe, vạn vật tốt tươi.
Kết thúc phần lễ, mọi người dự hội cùng tham gia biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian như: Thi kéo co, cày ruộng, ném còn, bịt mắt bắt dê, đi cầu thăng bằng, đi cà kheo qua suối…
Lễ hội Nào Cống
Lễ hội nào cống là lễ hội của các đồng bào dân tộc thiểu số H’Mông, Dao, Giáy. Từ thập kỷ 50 về trước, Tả Van có một ngôi miếu thờ 3 gian dựng ở ngay đầu cầu treo sang làng Tả Van Giáy. Sau đó, nơi đây đã trở thành địa điểm tổ chức lễ hội Nào Cống của cả vùng thung lũng Mường Hoa.
Mỗi gia đình sẽ cử ra một người, không phân biệt nam nữ, làm người đại diện tham gia lễ hội. Tại đây, người ta tổ chức lễ cầu mong các vị thần phù hộ người nhà được sống bình yên, mùa màng tươi tốt và phổ biến những quy ước chung giữa các làng.
Kết thúc lễ, mọi người đều vui vẻ ngồi vào mâm ăn uống cộng cảm. Dân làng nào tự nấu lấy thức ăn cho làng ấy và cùng ăn với nhau ở ngoài miếu, gia đình nào không có người đến dự, người khác sẽ dành phần thức ăn mang về.
Thời gian diễn ra lễ hội: Ngày Thìn, tháng 6 âm lịch hằng năm.
Lễ hội Nào Sồng
Lễ hội Nào Sồng là lễ hội đặc trưng nhất của cộng đồng người Mông với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa. Lễ hội này được tổ chức vào ngày Thìn, tháng Giêng. Vào lễ hội, người dân chuẩn bị lễ vật là một đôi gà trống mái hoặc lợn cùng rượu dâng lên cho vị thần Thu Tỉ – thổ địa bảo vệ dân làng và gia súc tránh khỏi thú dữ. Sau khi cúng xong, những cặp gà hay heo sẽ được đem đi mổ, lấy tiết bôi vào gốc cây nơi thần ngự rồi người dân làm cỗ vui vẻ ăn uống cùng nhau.
Đây cũng là thời gian để các bản làng họp bàn cúng tổ địa, bàn bạc công việc của bản và bầu chủ hội (Lùng thầu) để điều hành công việc cho năm mới.
Thời gian: Ngày Thìn tháng Giêng âm lịch.
Lễ hội Roóng Poọc
Lễ hội Roóng Poọc là lễ hội của người đồng bào. Địa điểm mở hội là một khu ruộng tương đối bằng phẳng phía đầu bản. Trung tâm hội dựng cây còn cao vút bằng cây mai có một vòng tròn trên ngọn. Vòng tròn đó một mặt dán giấy đỏ tượng trưng cho mặt trời, một mặt dán giấy vàng tượng trưng cho Mặt Trăng. Mâm cúng của thầy mo gồm các lễ vật tượng trưng cho sự no ấm như: vải, trứng, măng, bạc trắng và 6 quả còn của các cô gái chưa chồng.
Sau lễ cúng, chiêng điệu kèn pí lè tấu lên thông báo các trò chơi mang tính nghi lễ tượng trưng bắt đầu: ném còn, kéo co, văn nghệ… Hồi kết thúc, các già làng làm lễ khấn và hạ cột còn. Hai thanh niên khỏe mạnh cùng hai con trâu mộng được chọn cầy 5 đường “xuống đồng” tượng trưng cho vụ mùa mới bắt đầu.
Thời gian: Ngày Thìn tháng Giêng âm lịch hằng năm.
Lễ hội Gầu Tào
Lễ hội Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông được gìn giữ từ xưa đến nay. Thông thường, khi một gia đình người Mông không có con, ít con hoặc sinh con một bề hay có người ốm đau hoặc làm ăn không tốt…, họ sẽ lên đồi Gầu Tào khấn xin thần linh ban cho con cái, cầu xin sức khỏe hay làm ăn thuận lợi. Khi lời cầu khấn trở thành hiện thực, họ làm lễ Gầu Tào để tạ ơn thần linh.
Theo tập quán, lễ hội Gầu Tào thường do ba gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau và có hoàn cảnh như nêu trên cùng tổ chức. Lễ hội được tiến hành vào mùa xuân trong ba năm liền – mỗi năm người ta trồng một cây nêu để ba gia chủ sẽ lần lượt lấy cây nêu và những vật treo trên cây về để lấy phúc, lấy lộc. Địa điểm làm lễ Gầu Tào được gọi là Hấu Tào (Đồi Hội), là một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng tạo nên một bãi rộng và được bao quanh bởi những ngọn đồi cao hơn và quay theo hướng Đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời.
Người dân sẽ làm lễ cúng tạ trời đất, cầu cầu lộc ban cho dân bản, cầu mong mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng. Đồng thời, đây là cơ hội để dân làng tụ tập chuyện trò, gắn kết tình làng nghĩa xóm, tham gia các tiết mục thi thố đặc sắc.
Thời gian: Mùng 1 đến rằm tháng Giêng âm lịch.
Lễ hội Tết nhảy
Lễ tết nhảy là lễ hội của đồng bào dân tộc Dao, nhằm hậu tạ tổ tiên và chuẩn bị làm lễ hứa đầu năm mới. Theo quan niệm của người Dao, trong cuộc sống con người phải trải qua nhiều trắc trở, rủi ro, hàng năm phải khấn trời đất, thần linh, tổ tiên để được cứu giúp, trừ giải những oan trái, bất hạnh, ban cho những điều may mắn, hạnh phúc.
Trước tiên là điệu múa đón thần linh, tổ tiên về ăn Tết. Tiếp đến là điệu chào bố mẹ, tổ tiên. Điệu này mô phỏng bằng cách nhảy múa một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao. Điệu mời tiên nương giáng trần được mô phỏng theo điệu cò bay, hai tay dang ngang vẫy vẫy nhịp nhàng,…
Đặc biệt là lúc chính lễ, điệu múa “tam nguyên an ham” do thầy múa và khoảng 10 thanh niên nam giới biểu diễn để mời thần thánh các binh tướng về dự. Tiếp đến múa “ra binh vào tướng” với những động tác nhảy, quay, nhún, bật tung người rất nhanh, mạnh, dứt khoát, lướt đi trong tiếng trống, thanh la, não bạt trầm hùng.
Thời gian: Cuối giờ Thìn, đầu giờ Tỵ ngày mùng 1 và mùng 2 Tết âm lịch hằng năm.
Lễ hội hoa chuối
Lễ hội hoa chuối thể hiện nét văn hóa tâm linh của người Xá Phó với mong ước cầu mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no. Theo phong tục, người dân chọn cây chuối to tốt, đang trổ hoa để làm cây chuối lễ. Trên thân cây chuối, dân làng cắm lên thêm các loại hoa rừng thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng.
Các gia đình tham gia lễ hội mang rượu, gạo, 3 con chim nướng, mắm cá ủ chua, muối ớt,…làm lễ vật góp cho gia đình chủ hội. Chủ hội bày đồ cúng lễ trên những chiếc mâm đan bằng mây rừng đặt theo thứ tự trên khu đất nơi tổ chức lễ hội để các gia đình cầu khấn. Hương tàn cũng là lúc chủ hội vái lạy xin phép hóa vàng và ra hiệu cho các gia đình hạ lễ.
Thời gian: Ngày 9 tháng 9 âm lịch.
Lễ hội quét làng
Theo quan niệm của người Xá phó, tháng hai là tháng ma đói, ma làng về đây phá hoại dân, vì thế họ tổ chức lễ hội quét làng để năm mới được bình yên, hoa màu tươi tốt, súc vật nuôi không bị ốm chết. Trước ngày tổ chức lễ cúng, ông chủ gia đình các hộ trong làng họp nhau tại nhà người cao tuổi nhất làng bàn công việc.
Thời điểm bắt đầu lễ hội, mọi người dân trong làng, mỗi người mang theo một bát gạo, một con gà, hương, rượu đến bãi đất trống trong làng mổ làm lễ cúng…Tới ngày đã định, tất cả đàn ông trong làng mang tất cả lễ vật ra một bãi trống đầu làng và làm lễ dưới sự chủ trì của thầy cúng. Bắt đầu từ ngày hôm đó, dân làng kiêng không cho người ngoài vào nhà. Sau ba ngày, mọi sinh hoạt lại như cũ.
Thời gian diễn ra lễ hội: Ngày Ngọ và ngày Mùi tháng 2 âm lịch hàng năm.
Nếu có dịp về Sapa lãng đãng sương mù thì bạn đừng nên bỏ qua cơ hội được hòa mình vào lễ hội Sapa truyền thống náo nhiệt của người dân địa phương nhé. Đó chắc hẳn sẽ là kỷ niệm khó quên, thôi thúc bạn trở lại Sapa vào một ngày gần nhất.