Cách Hà Nội gần 100km, Hoa Lư – Ninh Bình là cố đô đầu tiên của triều đại phong kiến được công nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Cùng khám phá khu di tích cố đô Hoa Lư để tìm về kinh đô vang bóng một thời cùng Hali Travel qua bài viết này nhé.
Đôi nét về Cố đô Hoa Lư
Ngược dòng lịch sử về năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt và chọn Hoa Lư làm kinh đô nhờ địa thế ‘dễ thủ khó công’ với hệ thống núi đá trập trùng, sông bao làm hào. Hoa Lư trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Cồ Việt.
Tính đến năm 1009, đã có 6 vị vua thuộc 3 triều đại đóng đô tại đây. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, Cố đô Hoa Lư hầu như đã bị tàn phá nhưng vẫn lưu giữ nhiều dấu ấn cổ xưa; đánh dấu một thời đại anh hùng của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Việt Nam.
Ngày nay, khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, được UNESCO công nhận là một trong 4 vùng lõi thuộc quần thể di sản Thế giới Tràng An.
Quần thể cố đô Hoa Lư được chia thành 3 khu vực chính:
- Vùng bảo vệ đặc biệt: Có diện tích 3km2, bao gồm tất cả các di tích nằm bên trong thành Hoa Lư như đền vua Đinh, vua Lê Đại Hành, chùa Cổ Am, lăng vua Đinh – Lê, đền thờ công chúa Phất Kim, chùa Nhất Trụ,…
- Vùng đệm: Có diện tích lên đến hơn 10 triệu km2, bao gồm quần thể Tràng An và các cảnh đẹp dọc hai bên sông Sào Khê.
- Các di tích liên quan trực tiếp: Gồm các di tích có ý nghĩa lịch sử như chùa Bái Đính, động Hoa Lư, cổng Đông, cổng Nam và một số các đền thờ khác.
Giá vé tham quan tại cố đô Hoa Lư: Người lớn: 20,000 VNĐ. Trẻ em 06 – 15 tuổi và người cao tuổi, người tàn tật: 10,000 VNĐ.
Đến thăm cố đô Hoa Lư mùa nào?
Các bạn có thể đến Hoa Lư vào bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng theo kinh nghiệm của Hali Travel thì thời điểm sau là đẹp nhất:
Đầu xuân: Sau dịp Tết m lịch là mùa lễ hội, bạn có thể trải nghiệm với những lễ hội đặc sắc để tưởng niệm các vị vua đã có công xây dựng đất nước.
Tháng 3 – 5: Thời điểm này vẫn đang là mùa khô, dễ dàng di chuyển. Có hai mốc quan trọng: Từ 08 – 10/03 âm lịch hàng năm diễn ra lễ hội Trường Yên hay hội Cờ Lau và cuối tháng 5 là mùa lúa chín ở Ninh Bình.
Lưu ý: Nếu bạn không thể đi được thời điểm kể trên thì cũng có thể đi bất kỳ thời điểm khác trong năm và nên tranh thủ đi vào mùa khô (tháng 11 cho đến tháng 3 năm sau) vì mùa nước lớn sẽ không thể tham quan hang động.
Phương tiện di chuyển đến Cố đô Hoa Lư?
Từ Hà Nội đến Ninh Bình các bạn có thể lựa chọn một trong những cách di chuyển sau:
- Tàu hỏa: Giá vé tàu Hà Nội – Ninh Bình dao động từ 90,000 – hơn 200,000đ tùy từng tàu và loại ghế (Không nên chọn những chuyến quá muộn vì sẽ làm ảnh hưởng đến lịch trình).
- Xe khách: Bạn có thể bắt xe từ bến xe Giáp Bát hoặc Mỹ Đình để tới Ninh Bình với mức giá dao động từ 50,000 VNĐ – 60,000 VNĐ/người với thời gian trung bình khoảng 1 giờ 30 phút.
- Xe limousine: Dịch vụ tốt, có thể đưa đón tận nhà trong nội thành nếu bạn không thích di chuyển nhiều. Bạn có thể tham khảo: Địa chỉ đặt xe Hà Nội – Ninh Bình uy tín tại đây nhé.
- Xe máy: Nếu thích cảm giác vi vu bằng xe máy, bạn có thể đi theo lộ trình Pháp Vân – Cầu Giẽ – Phủ Lý – Ninh Bình với thời gian di chuyển khoảng từ 1 giờ đến 1 giờ 30 phút.
Các điểm tham quan nổi bật tại di tích Cố đô
Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng
Đền được dựng trên nền chính điện của kinh đô Hoa Lư với kiến trúc dạng “nội công ngoại quốc” Trước đền có núi Mã Yên làm bình phong, phía sau đền là dãy núi Dù bao bọc, các kiến trúc thành phần được bố trí đối xứng nhau qua đường “dũng đạo”. Kiến trúc chính của đền gồm: Bắc môn, nghi môn ngoại, nghi môn nội, sân rồng, nhà Khải Thánh, tiền đường, thiêu hương, hậu cung, nhà bia, sân vườn…
Đền thờ vua Lê Đại Hành
Đền được dựng trên mặt bằng kiến trúc hình chữ “Công”, gồm các hạng mục: tiền đường, thiêu hương và hậu cung. Gian giữa đặt tượng Lê Đại Hành, gian bên trái đặt tượng Thái hậu Dương Vân Nga, gian bên phải đặt tượng Khải Minh Vương (Lê Long Đĩnh)… Ngoài ra, trong khu vực này còn có một số hạng mục kiến trúc khác, như tam môn, từ vũ, nghi môn ngoại, nghi môn nội, sân rồng, nhà vọng, hai nhà bia.
Chùa và động Am Tiên
Động nằm cách cửa Đông của đền vua Đinh Tiên Hoàng khoảng 400m. Phần lớn khu vực động Am Tiên nằm trong một thung lũng ngập nước, được bao bọc bởi những vách núi đá. Cửa Động Am Tiên ở lưng chừng núi, phải leo qua 205 bậc đá… mới vào đến Động. Vì cửa động có hình giống như miệng rồng, nên động còn có tên gọi khác là hang Rồng. Trong động có nhiều nhũ đá, hình thù kỳ lạ, như cây thóc, cây tiền, trái Phật thủ, nụ hoa sen… Hiện tại, hang chính của động Am Tiên vừa là chùa thờ Phật và thiền sư Nguyễn Minh Không, vừa là một ngôi đền thờ các vị danh nhân, như quan thi hành án và Thái hậu Dương Vân Nga…
Chùa Nhất Trụ (hay chùa Một Cột)
Đây là ngôi chùa cổ từ thế kỷ X thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của khu di tích Cố đô Hoa Lư. Trong chùa hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của kinh đô Hoa Lư, nổi bật nhất là cột kinh bằng đá, được dựng ở trước sân chùa vào năm 995. Chùa được dựng trên mặt bằng kiến trúc dạng chữ “Đinh”, quay hướng chính Tây, gồm các hạng mục: chính điện, nhà tổ, phòng khách, nhà ăn và tháp…
Lăng vua Đinh và lăng vua Lê (dựng năm 1840)
Lăng vua Đinh Tiên Hoàng được đặt ở chính giữa đỉnh Mã Yên (gối Tây Bắc hướng Đông Nam), bằng kết cấu đá. Phần đầu của lăng xây cuốn kiểu bình phong, phía trước có nhà bia nhỏ, trong có bia đá.
Lăng vua Lê Đại Hành ở chân núi Mã Yên, khuôn viên khá rộng, kết cấu gạch, xung quanh xây tường hoa. Phần đầu lăng mộ tạo hình cuốn thư, phía sau có bia đá.
Bình thường, bạn có thể đi thăm hết những địa điểm này nếu đi tour Ninh Bình 1 ngày. Trong trường hợp ban có nhiều thời gian hơn (2 ngày 1 đêm, 3 ngày 2 đêm), Hali Travel xin gợi ý các điểm tham quan sau: Quần thể Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, chùa Bái Đính, Vườn chim Thung Nham…
Ăn gì khi đến Hoa Lư?
Bên cạnh những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh độc đáo thì ẩm thực vùng đất cố đô cũng là một trong những điểm hấp dẫn du khách.
- Cơm cháy: Hạt cơm vàng đều, giòn rụm ăn kèm với nước sốt đặc biệt khiến du khách khen lấy khen để. Đây là đặc sản quá nổi tiếng mà ai Ninh Bình cũng sẽ mua về làm quà.
- Thịt dê núi: Dê núi ở Ninh Bình thơm, ít mỡ và chắc thịt được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn: dê tái chanh, dê hấp, nem dê, tiết canh dê,… bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe.
- Ốc núi: Thịt ốc dai, giòn, ngọt được chế biến theo khẩu vị thực khách: hấp gừng, xào sả ớt, trộn gỏi…
Ngoài ra vẫn còn rất nhiều món ngon khác như: Nem Yên Mạc, miến lươn, rượu Kim Sơn, mắm tép Gia Viễn…
Tham khảo: Những món đặc sản nhất định phải thử khi ghé Ninh Bình.
Lưu ý khi tham quan Hoa Lư
- Ăn mặc lịch sự, kín đáo vì Hoa Lưu là điểm du lịch tâm linh.
- Đi nhẹ, nói khẽ, không chen lấn xô đẩy để giữ gìn sự tôn nghiêm ở đền các vị vua có công với nước.
- Tuân thủ sự hướng dẫn của ban quản lý di tích hoặc hướng dẫn viên đoàn và xem trước bản đồ để thuận tiện hơn cho chuyến hành trình khám phá của mình.
- Bảo vệ môi trường bằng cách giữ vệ sinh chung.
Hi vọng những thông tin của Hali Travel sẽ giúp ích phần nào cho các bạn đang có dự định đi Ninh Bình. Chúc các bạn có một chuyến trải nghiệm cố đô Hoa Lư thật vui vẻ và ý nghĩa!